SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ

VÀ TAM NHẬT THÁNH

Trần Mỹ Duyệt

 

CHÚA CỠI LỪA VÀO THÀNH

Chúa Nhật Lễ Lá  

Trần Mỹ Duyệt

Tuần lễ cực thánh, chấm dứt 40 ngày chay tịnh bắt đầu bằng việc cử hành tưởng niệm   Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem, để rồi sau đó Ngài bị bắt, bị đánh đòn, tra tấn, bị kết tội vác thập giá lên núi Sọ, bị đóng đinh và chết trên thập tự giá!  

Suốt 3 năm miệt mài, vất vả rao truyền chân lý, chữa lành nhiều kẻ tật nguyền, thực hiện bao phép lạ vỹ đại, hôm nay là ngày Chúa Giêsu được vinh hiển nhất, được tôn kính trọng vọng nhất.  

Dân chúng đứng chật hai bên đường, người người vui mừng reo hò. Họ tung hô vạn tuế và không ngừng ca tụng: “Hoan hô con Vua Ðavít. Chúc tụng Ðấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21:9) Lòng sùng mộ và yêu kính của dân chúng bấy giờ đã khiến họ hành động một cách hết sức đặc biệt. Họ cởi áo ngoài trải như một tấm thảm kéo dài trên đường Ngài đi qua. Và họ cầm trên tay ngành vạn tuế để vẫy chào khi Ngài ngang qua chỗ họ. Thánh Kinh kể lại, số người theo tung hô Ngài mỗi lúc một thêm đông, đến độ khiến các Pharisiêu phải ghen tị.  

Quan sát đám rước hôm đó, có một số chi tiết có thể khiến chúng ta phải dừng lại để suy nghĩ.  

Theo Thánh Kinh, Chúa Giêsu vinh quang khải hoàn vào thành thánh, Ngài không ngồi trên kiệu, không cỡi voi, cỡi ngựa hoặc dùng phương tiện thời nay là ngồi trong một chiếc limousine. Nhưng Ngài ngồi trên lưng một con lừa con. Mátthêu ghi: “Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các anh hãy đến làng trước mặt kia, sẽ gặp ngay một con lừa mẹ cột ở đó với con lừa con. Các anh hãy mở dây và dẫn về đây cho thầy” (Mt 21:2). Ngài không được hộ tống bởi đoàn kỵ binh, ngự lâm quân, những quân sỹ với đầy đủ khí giới theo hầu, bảo vệ, mà lại là những thường dân, những em nhỏ, những con người đơn sơ và chất phát.   

Chúa cỡi lừa con để khải hoàn vào Giêrusalem, vì Ngài không muốn làm các thiếu nữ Sion phải hoảng sợ: “Hãy nói với thiếu nữ Sion rằng, này vua các ngươi đang ngự đến, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con, là con lừa mẹ.” (Mt 21:5)  Ngài không dùng sức mạnh, quyền lực của kẻ chiến thắng để khống chế và thu phục nhân tâm. Ngài không muốn bất cứ ai nhìn Ngài bằng cặp mắt đầy kinh ngạc, hốt hoảng và thán phục. Ngài không muốn bất cứ ai phải bắt buộc theo Ngài, và miễn cưỡng chấp nhận Ngài. Tất cả những hình ảnh liên quan đến sức mạnh quyền lực, danh vọng và chức quyền đều bị Ngài loại bỏ. Ngài chỉ muốn một mình đơn sơ ngồi trên lưng một con lừa nhỏ bé để tiến vào thành. Một hình ảnh nói lên sự thanh bình, đơn sơ, nhẹ nhàng, và tự nhiên. Và đó chính là Ngài, con chiên Thiên Chúa, vua các vua và Chúa các chúa.  

Chúa Giêsu là vua. Ngài còn là Chúa tạo thành vũ trụ. Danh Ngài được vang vọng chúc tụng trên các tầng trời. Cả nhân loại phải phủ phục dưới chân Ngài và trước nhan Ngài. Mọi đầu gối, như Thánh Phaolô đã viết, trên trời, dưới đất và trong lòng đất phải quì gối trước mặt Ngài (x Roma 14:11). Do đó, nếu Ngài dùng bất cứ hình thức di chuyển nào khác tối tân và tiện nghi nhất của thời bấy giờ thì vẫn chỉ là những phương tiện tầm thường chưa xứng với Ngài. Tuy nhiên, Ngài đã không làm thế. Hành động ấy của Ngài như nói trước về những gì mà Ngài sẽ làm kế tiếp như rửa chân cho các môn đệ, cho phép bị bọn lý hình hành hạ và chế diễu, chấp nhận bản án bất công từ Philatô. Và nhất là chấp nhận vác thập giá, và bị đóng đinh chết treo trên đồi Golgotha.  

Làm sao một người là chúa và là thầy lại có thể bưng chậu nước đến trước mặt các môn đệ của mình, quì gối xuống và rửa chân cho họ? Chỉ có Đấng đã nói: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11:29) Một hoàng đế, một nữ hoàng, một tổng thống, một thủ tướng uy nghi duyệt qua hàng quân danh dự để tiến lên lễ đài giữa tiếng tung hôn vang dội của cả rừng người không thể dễ dàng chấp nhận chịu cảnh trao nộp, chịu đánh đòn, chịu khạc nhổ vào mặt, chịu đội mão gai, chịu xét xử bất công, và chịu đóng đinh chết trần truồng trên thập giá mà không một lời than van, trách móc.  

Chúa cỡi lừa con khải hoàn vào Giêrusalem. Ngài muốn nói với mọi người rằng, Ngài xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng. Ngài chính là vua. Ngài là vua chiến thắng. Nhưng trên tất cả, Ngài là một vị vua nhân từ. Vua thái bình. Vua của tâm hồn mọi người. Ngài thương yêu tất cả. Ngài mong mọi người hãy đến với Ngài, để học cùng Ngài, vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường.” Và vì thế, Ngài đã cỡi lừa con mà không cỡi chiến mã.  

Suy niệm việc Chúa Giêsu cỡi lừa vào thành, chúng ta hãy để lòng mình chìm sâu trong những mầu nhiệm của Thương Khó, Thập Giá và Phục Sinh mà Ngài đã thực hiện vì chúng ta và cho nhân loại chúng ta.  

(Hiệu đính từ bài “Ngài Cỡi Lừa Vào Thành”. 1 tháng 4 năm 2012; March 28, 2021 của cùng tác giả).   

 

RỬA CHÂN CHO NHAU

Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh  

Trần Mỹ Duyệt  

Trong phụng vụ của Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức gây được nhiều ấn tượng, đó là việc chủ tế khiêm tốn rửa chân cho một số người. Hành động này phản ảnh việc chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã rửa chân cho 12 môn đệ của Ngài. Ý nghĩa việc làm này của Chúa đã được chính Ngài giải thích: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gioan 13: 15)  

Bắt chước và làm như vậy. Đây là một hành động không chỉ mang tính cách biểu tượng, nhưng là một lệnh truyền. Chúa muốn các môn đệ của mình “phải rửa chân cho nhau” (13: 14). Tại sao? Vì đó là dấu chỉ của tình huynh đệ, của tình yêu thương, của người môn đệ Chúa: “Người ta sẽ cứ dấu này mà nhận ra các con là môn đệ của Thầy.” (Gioan 13:35)  

Nhưng hành động rửa chân cho anh chị em mình có dễ dàng và nhẹ nhàng không? Làm sao tôi có thể rửa chân cho anh chị em tôi?  

Nếu hiểu lệnh truyền này theo một nghĩa đen, chắc chắn chúng ta sẽ có ít cơ hội, hoặc không có cơ hội để rửa chân cho người khác. Như vậy, chúng ta chỉ có thể hiểu ý nghĩa lệnh truyền này theo nghĩa “bác ái”, nghĩa “người môn đệ của Chúa”. Và chỉ trong ý nghĩa này chúng ta mới biết mình phải làm gì để giữ được lệnh truyền của Thầy.  

Rửa chân thể lý cho nhau thông thường chúng ta ít khi thực hiện, ngoại trừ cha mẹ rửa chân, tay cho con cái, vợ chồng rửa cho nhau khi yếu đau, con cái rửa cho cha mẹ trong lúc già yếu, hoặc các y tá, y công giúp chăm sóc các bệnh nhân. Nhưng rửa chân tinh thần, rửa chân tâm lý là việc chúng ta phải làm thường xuyên cho nhau. Nó mang ý nghĩa của sự nhịn nhục, chấp nhận và tha thứ, những việc làm thể hiện tình yêu, đức bác ái.    

Thánh Gioan nói: “Nếu anh em ta là người ta thấy mà không thương yêu, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Đấng ta không thấy?” (1 Gioan 4:20) Ngài kết luận, trong những trường hợp ấy nếu nói mình yêu mến Thiên Chúa là nói dối. Nói không thật với lòng mình.  

Yêu nhau mà không chấp nhận nhau, không chịu đựng và tha thứ cho nhau thì không phải là yêu. Tình yêu mà ta dành cho người lúc nào cũng làm mình vui, đem lại cho mình hạnh phúc thì tình yêu đó chỉ là một cách đáp trả những điều tốt đẹp mà người ấy đã làm cho mình. Trong những trường hợp như thế nếu không đáp lại bằng tấm lòng tử tế, biết ơn thì có nghĩa là vô ơn, là lợi dụng, là ích kỷ. Nhưng nếu có ai đó làm cho mình phải khó chịu, phải thiệt thòi, và đôi khi phải đau khổ mà mình vẫn chấp nhận để thông cảm, tha thứ, và yêu thương thì những lúc đó tình yêu của ta mới chứng tỏ là tình yêu thật. Theo Thánh Tôma Aquinas, tình yêu đòi hỏi phải có hy sinh, và hy sinh là mức độ cao nhất để do lường tình yêu. Ngài đưa ra nhận xét này vì theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã ra một mẫu mực đo lường tình yêu, đó là: “Không ai có tình yêu lớn hơn người thí mạng vì bạn hữu mình.” (Gioan 15:13) Chúa nói và Chúa làm. Không chỉ rửa chân cho các môn đệ, Ngài còn chết cho các ông và cho chúng ta nữa. Và đó là tình yêu đích thực, tình yêu lớn lao.  

Trong phụng vụ Thứ Năm Tuần Thánh, có hai lần Chúa “truyền” cho các môn đệ phải làm điều Chúa muốn. Lần đầu Ngài truyền cho các ông “làm việc này mà nhớ đến Ta.” (Luca 22:19, và lần thứ hai “hãy rửa chân cho nhau.” (Gioan 13:14) Điều truyền trước Ngài nói đến Bí Tích Thánh Thể, điều truyền sau, Ngài nói về Đức Ái. Thật sự nếu không thương nhau, không đón nhận, chịu đựng và tha thứ cho nhau như Chúa đã làm, chúng ta sẽ không có được cặp mắt đức tin để nhìn thấy Ngài qua Bí Tích Thánh Thể.  

Do đó, việc tế lễ, tham dự thánh lễ, và rước Thánh Thể hàng ngày mà thiếu đức ái thì cũng như một việc làm bôi bác, hình thức, đôi khi nhàm chán. Nhưng ngược lại, nó sẽ là niềm vui của chúng ta khi đến với Chúa qua hy lễ và được đón rước Chúa mỗi ngày khi ra về mà trong lòng mang hình ảnh yêu thương.  

Ôi nhiệm mầu Tình yêu Chúa nuôi con suốt đời. Ôi! Nhiệm mầu Tình yêu Chúa ru con tháng ngày.

- Những lỗi lầm ngày tháng cũ tim con u buồn thống hối. Những bước đường mờ ám đó nay con xin nguyện chia phôi. Và, ngày ngày tháng tháng con cầu kinh. Và, chiều chiều sáng sáng con nguyện xin.

- Cất bước tìm về với Chúa con đi trong miền nắng ấm. Áo mới tuyệt vời Chúa khoác cho con vui tiệc hiến tế, và ngày ngày với Chúa con cùng đi. Và, từng chiều có Chúa con ngại chi.

(Ôi nhiệm mầu. Xuân Tưởng)  

Chúa lập Bí Tích Thánh Thể và ban bố giới luật yêu thương. Giới luật tình yêu mà Chúa tự ra cho chính mình và cho các môn đệ. Ngài tự hiến, tự ẩn thân trong Thánh Thể để ở với con cái loài người. Không ai có tình yêu lớn hơn Chúa. Chúa còn dạy chúng ta là hãy rửa chân cho nhau, và yêu thương nhau như Chúa đã yêu, đã thương, đã rửa chân và đã chết cho chúng ta.  

Chúa hiện thân trong Thánh Thể. Ngài truyền cho chúng ta “nhớ đến Ngài".  

Chúa rửa chân cho các môn đệ. Ngài dạy chúng ta phải “rửa chân cho nhau”.  

Thánh Thể và rửa chân cho nhau, cả hai liên quan đến mầu nhiệm “tình yêu”. Tình yêu hy hiến và tình yêu phục vụ. Do đó, mỗi khi nhớ đến Ngài là phải nhớ đến tấm gương hy sinh và thi hành rửa chân cho nhau. Tình yêu không hy sinh, không hành động là tình yêu giả dối.  

__________

 *Bài viết được hiệu đính 10 April 2022.

 

 

CON CÓ BIẾT KHI NGƯỜI TA ĐÓNG ĐINH CHA?!

Suy niệm Tuần Thánh  

Trần Mỹ Duyệt   

Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.  

Nhưng nếu có ai đó hỏi trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá và Ngày Thứ Sáu Chúa chịu nạn tôi ở đâu. Tôi thấy những gì lúc bấy giờ ở Giêrusalem? Thì bằng với trí tưởng tượng và lui về hơn 2000 năm trước, tôi sẽ trả lời:  

Tôi đứng ở bên đường cùng với đoàn người đông đúc chen lấn đón một đại tiên tri tiến vào thành thánh. Và tôi cũng có mặt trước dinh Philatô để cùng mọi người gào thét lên án đóng đanh ông Giêsu.  

Tôi thấy Đấng Tiên Tri cao cả vào Giêrusalem khiêm tốn ngồi trên lưng con lừa con. Từng đoàn người đông đảo hoan hô, chúc tụng: “Vạn tuế, vạn tuế con vua Đavít. Hoan hôn đấng nhân danh Thiên Chúa. Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21:9)  

Niềm vui, lòng sốt sắng nhiệt tình của đám đông hôm đó đã tan biến mau! Mới đó mà bây giờ tình hình đã đổi khác. Ngày thứ Sáu tiếp sau đó, tôi thấy “con vua Đavít” bỗng nhiên trở thành một tội đồ, một kẻ đang chờ bị kết án tử hình. Các thượng tế, kinh sư và kỳ lão khích động và bảo chúng tôi hô to: “Hãy đóng đinh vào thập giá, hãy đóng đinh nó vào thập giá” (Gioan 19:6) khi Philatô hỏi có nên tha cho Ngài hay tha cho Baraba, tên tội phạm khét tiếng đang bị giam giữ chờ đợi án.  

Để Philatô có lý do kết án Ngài, đám đông điên cuồng gào thét: “Đem đi, đem đi, hãy đóng đinh nó vào thập giá.” (19:15) “Đóng đinh nó đi! Đóng đinh nó đi.” (Luca 23:21; Mark 15:13). Nhưng tại sao lại không tha cho Ngài mặc dù chính Philatô cũng không thấy có lý do để kết án: “Ta không thấy người này có tội gì để kết án” (Gioan 19:4)! Phải chăng vì Ngài là cái gai trong mắt các thượng tế, kinh sư và kỳ lão mà giờ đây là cơ hội tốt nhất họ cần loại bỏ! Và đối với đám đông, Ngài không còn lý do để hy vọng, không còn tin tưởng được gì nữa hơn là một tội nhân đáng khinh bỉ, đáng bị khai trừ.  

Nhưng không chỉ những thượng tế, kỳ lão, kỳ mục hoặc đám đông dân chúng bị lợi dụng đang hô hào, đang la lối để kết án Ngài, mà trong nhóm môn đệ thân tín của Ngài cũng bỏ Ngài. Phêrô thề sống chết với Ngài: “Dù có phải chết với thầy tôi cũng không chối thầy” (Mt 26:35),  nhưng lại chối Ngài một cách hèn nhát trước mặt ngay cả một đầy tớ gái trong dinh vị thượng tế! Giuđa với dã tâm đã bán Thầy mình chỉ với giá 30 đồng bạc (x. Mt 26:15), và cái hôn phản bội tại vườn Cây Dầu.  

Và trên đường từ dinh Philatô đến núi Sọ, tôi thấy một Giêsu với thân hình tan nát vì đòn vọt, đầu đội mão gai, vai vác thập giá giữa tiếng reo hò, chửi rủa của lính tráng và người hiếu kỳ. Rồi cuối cùng trên đồi Golgotha, tôi thấy người ta lột trần truồng Ngài, xô Ngài trên thập giá. Tôi nghe những tiếng búa chát chúa. Người ta đã đóng đinh Ngài! Và Ngài đã chết trên thập tự giá…  

Trở về với hiện tại, nơi góc một nguyện đường, tôi nhìn lên thánh giá Chúa, và nghe như có tiếng rất nhỏ, rất thổn thức, thì thầm hỏi:  

-Con có ở đó khi người ta đóng đinh Cha không?

-Con có ở đó khi người ta treo Cha trên thập tự?

-Con có ở đó khi người ta đâm thâu cạnh sườn Cha?  

Và tôi chỉ biết nghẹn ngào, nức nở:

-Ôi! Con run rẩy, hãi hùng mỗi khi nghĩ đến những giây phút ấy!  

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,

Vâng, trong thinh lặng mỗi khi nhìn vào nội tâm, con hình dung ra cả hai biến cố cuối đời của Chúa con đều có mặt. Con đều tham gia một cách tích cực.  

Trong đời sống con, nhiều lần con vừa tung hô Chúa, nhưng cũng vừa đả đảo Chúa. Vừa là tông đồ, nhưng cũng vừa là Giuđa bán rẻ Chúa, Phêrô chết nhát chối Chúa. Vừa là người trong những đám đông quần chúng theo Chúa, nghe lời giảng dạy, ca tụng những phép lạ Chúa làm, nhưng cũng là những thượng tế, kinh sư, kỳ mục, và là kẻ tham gia vào việc từ chối Chúa, giao nộp Chúa cho Philatô. Nhất là cũng như Philatô, con đã lên án đóng đinh Chúa trên thập giá!  

Trên đồi Golgotha, con đã nhìn xem Chúa đau đớn, quằn quại khi thập giá khi được nâng lên cao, khi Chúa hấp hối và tắt thở, và khi thân xác rách nát của Chúa được tháo khỏi thập giá, được táng trong huyệt mộ. Tất cả những suy tư và hành động tương phản ấy xảy ra bởi vì con rất thù ghét Chúa, và Chúa thật đáng chết! Tại sao? Tại vì trong đời con, nhiều và rất nhiều lần Chúa đối với con vẫn là kẻ xa lạ.  

Lạy Chúa,

Xin thắp lên trong tim con ngọn lửa tình yêu để con cảm nhận được tình thương bao la của Chúa, và để con nhận ra được cái chết đớn đau của Chúa trong cuộc đời mình. Cái chết vì thương yêu con, và vì muốn giải thoát con khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Với chút tình mến ấy, con sẽ thống hối và tràn ngập niềm tin tung mình vào lòng thương xót Chúa. Đấng yêu thương con, và đã chết vì con.  

 

NGÔI  MỘ TRỐNG

Chúa đã Phục Sinh. Alleluia.

Trần Mỹ Duyệt  

Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.

Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.

Nhưng Giêsu đã không ngủ yên. Câu chuyện tưởng chừng rơi vào quên lãng, đã bị khua động trở lại. Mới sáng ngày thứ nhất trong tuần, người chết đã không nằm yên mà lại chỗi dậy ra khỏi mồ. Nhưng ai là nhân chứng của biến cố lạ lùng này? Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan (x Gio 20:1-10).

Buổi sáng Shabbat hôm đó, khi người, vật còn đang ngái ngủ. Khi ánh bình minh vừa ló rạng. Vào thời điểm ấy, một vài phụ nữ đang âm thầm, lặng lẽ bước đi trong sương mai. Những cơn gió thoảng buổi sáng làm họ se lạnh. Họ đang nghĩ đến người đã chết, đến cách có thể tiếp cận được với người chết trong huyệt mộ. Nhưng khi đến mộ, họ bỗng phát hiện ra rằng ngôi mộ đã trở thành trống rỗng! Quá bỡ ngỡ, xúc động và sợ hãi: “Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Ngài ở đâu.” (Gio 20:2) Ðiều này cũng khiến cho Phêrô và Gioan bị lôi cuốn. Các ông đã muốn tìm ra sự thật.  

Ngoài Maria Mađalêna và một số phụ nữ, Phêrô và Gioan, ngôi mộ trống kia phải chăng cũng là một chứng tích lịch sử của Phục Sinh? Ngôi mộ bên triền đồi Golgotha, nơi mà buổi chiều thứ Sáu thảm sầu, một tử thi đã được chôn cất vội vã! Nhờ biến cố Phục Sinh, giờ đây đã khiến nó trở thành niềm vui cho các môn đệ, cho những phụ nữ nhiệt thành, và cũng là niềm hy vọng, sức sống mãnh liệt cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin này, và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin vào Chúa phục sinh.  

Ngôi mộ ấy, tự nó đã có chỗ đứng lịch sử. Nếu nó đã bị phá hủy ngay đêm thứ Sáu do lính La Mã thì mọi chuyện đã đổi chiều. Hoặc nếu đám lính canh của các Thượng Tế gửi tới vẫn còn đang thức khi nhóm phụ nữ đến mộ thì sự việc cũng lại khác hẳn. Nhưng ngôi mộ mà xác thân của Giêsu đã được mai táng, đã sống lại vẫn ở đó nhưng trống vắng, và im lìm! Chỉ còn lại những giây băng, vải cuốn, và khăn liện. Chính vì vậy mà nó đã trở thành một dấu chỉ đầy ý nghĩa của biến cố Phục Sinh. Hình ảnh của nó gắn liền với buổi sáng phục sinh, với Maria Mađalêna, với Phêrô và Gioan, và tất cả những ai đang tin vào Con Thiên Chúa - Ðấng xóa tội trần gian - đã chịu cực hình thập giá, được mai táng trong đó. Và cũng từ đó, Ngài đã chỗi dậy.

Có cần phải tình cảm và xúc động như Maria Mađalêna và những phụ nữ đã có mặt trong buổi sáng hôm ấy không: “Thưa ông, nếu ông mang Ngài đi đâu, xin làm ơn chỉ cho tôi chỗ ông đã đặt Ngài để nhận Ngài lại.” (Gio 20:15)

Có cần phải hăm hở và nhiệt tình như Phêrô, như Gioan nhanh chân chạy ra mộ để tìm những chứng tích phục sinh không: “Phêrô và môn đệ kia bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Ông không vào trong nhưng cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất.” (Gio 20:3-5)

Cuộc sống đạo, đời sống tâm linh đôi lúc cần được nuôi dưỡng bởi những động lực và thôi thúc tình cảm như thế. Có lúc cần phải xúc động, phải sốt sắng, phải để lòng lắng đọng khi gối quì một mình trong thinh lặng tại một góc của giáo đường. Và cũng có lúc phải để cho trái tim thổn thức một niềm cảm xúc trước những vẻ đẹp và sự cuốn hút của Thiên Chúa qua những người, những vật, mà mình đụng chạm tới.

Nhưng đời nội tâm nếu chỉ dựa vào những rung động tình cảm sẽ dễ trở thành mê tín, dị đoan. Nhìn Chúa Giêsu mà lại tưởng là người làm vườn. Hoặc ngược lại, nhìn người làm vườn mà lại nghĩ là Chúa Giêsu như trường hợp của Maria Mađalêna. Đức tin, ngoài những yếu tố tình cảm còn đòi hỏi những dấu hiệu khả tín, và dựa trên những lý luận hợp lý. Có lẽ vì thế mà cả Phêrô lẫn Gioan đã hăm hở chạy ra mộ.

Như vậy, đời sống tôi cũng phải như ngôi mộ trống trong ngày phục sinh. Nếu có ai nhìn vào nó, họ sẽ khám phá ra không phải là nơi chôn giấu tình cảm đạo đức, thông thạo giáo lý, hiểu biết, nhưng ở đó có dấu chứng của Chúa Giêsu phục sinh: là chiếc khăn liệm gói trọn quá khứ, một quá khứ từng làm cho hư hỏng và sa lầy trong tội, và hiện tại là sự đổi mới hoàn toàn như Tông Ðồ Phaolô đã viết: “Nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh.” (Rom 6:5)

_________

*Được hiệu đính, Chúa nhật Phục Sinh, 17 tháng 4, 2022.  

 

NHỮNG NGÔI MỘ TRẮNG

Trần Mỹ Duyệt  

Có khi nào chúng ta đã tự đặt mình vào số những người vây quanh Chúa Giêsu mỗi khi Ngài rao giảng không? Và thái độ của chúng ta lúc đó như thế nào: Hăm hở nghe lời Ngài, suy tôn và thần tượng Ngài về những lời giảng dạy khôn ngoan; hoặc ngược lại, cảm thấy chói tai, mỉa mai Ngài rồi bỏ đi?  

Đối với nhiều người thì câu hỏi trên là một câu hỏi khó trả lời, vì cũng phải tùy thuộc vào bài giảng, nội dung của nó ra sao, và phản ứng chung của những người nghe hôm đó? Và nhất là nó có động chạm đến ai không? Thí dụ, có lần Ngài mắng bọn giả hình: “Khốn cho các ngươi bọn ký lục, Pharisiêu giả hình. Các ngươi bề ngoài trông như những mồ mả quét vôi đẹp đẽ, nhưng bên trong chứa đựng toàn xương người chết, hôi thối.” (Mt. 23:27-28) Những lời như thế quả động chạm không ít đối với rất nhiều người trong đó có tôi. Phải chăng Ngài đi quá xa khi kết án như vậy? Và phải chăng vì những lời này đã lột tả sự thật phũ phàng về chính tôi?  

Nhưng trong những giờ phút yên lặng một mình nhìn vào nội tâm, tôi thấy Chúa đã nói đúng, mặc dù “sự thật mất lòng”. Những hình ảnh Ngài nêu lên liên quan tới những ngôi mộ sơn phết đẹp đẽ bên ngoài đã khiến tôi suy nghĩ đến một ngôi mộ: Ngôi mộ của Giuse thành Arimathea. Trong ngôi mộ này là nơi chứa đựng thân xác chịu đóng đinh của Chúa. Chỉ khác một điều là ngôi mộ ấy không được sơn phết, và thân xác được đặt vào đó chỉ lưu lại một thời gian rất ngắn, để rồi sau đó đã phục sinh ra khỏi mộ. Ngôi mộ duy nhất trong đó không chứa xương người chết, không hôi thối. (x. Mc. 15: 42-46, Lc. 24:5-6, Mt. 28:5-7)  

Calvary Loang Máu *  

Theo Tân Ước, Golgotha là tên của nơi mà Chúa Giêsu bị đóng đanh. Địa điểm chính xác Golgotha ở đâu thì vẫn còn đang trong vòng tranh luận.  

Vào khoảng thế kỷ thứ tư, Thánh Đường Mồ Thánh đã được xây trên Golgotha hiện nay được biết đến do Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantine. Nhưng vào thế kỷ 19, các nhà khảo cổ bắt đầu tranh luận về địa điểm này, một số cho rằng Thánh Đường Mồ Thánh ở bên trong bức tường thành, mà nay là Thành Cổ của Jerusalem. Do đó, Golgotha đáng lý ra phải ở bên ngoài theo phong tục của người Roma và người Do Thái, điều này cũng hợp với những gì các Thánh Sử đã ghi là Chúa Giêsu bị đóng đanh ngoài thành [1].  Tóm lại, Golgotha tọa lạc thực sự ở đâu lúc này vẫn đang được các học giả nghiên cứu và phân tích.  

Tuy nhiên, vẫn theo một số các nhà nghiên cứu khác, Golgotha bây giờ được xác định là nơi có Thánh Đường Mộ Chúa. Nơi đây là nơi Chúa Giêsu bị đóng đanh. Không xa, là huyệt mộ ông Giuse đục vào đá cũng là nơi mai táng Chúa sau khi Ngài được đưa xuống khỏi thánh giá. [2]  

Golgotha, tiếng Aramaic có nghĩa là “sọ”, cũng được gọi là Calvary vì ngọn đồi này có hình một sọ người ở Jerusalem. Trong Tân Ước, Thánh Gioan ghi: “Vì thế họ bắt Chúa Giêsu, và Người đi ra, vác thánh giá, đến một nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Aramaic gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đanh Người cùng với hai người khác, mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa.” (19:16-18)  

Hành hương đến Jerusalem viếng thăm Đất Thánh mà không lên đồi Golgotha là một thiếu sót. Ngọn đồi này là tài sản thiêng liêng vô cùng quí giá của Công Giáo và Chính Thống Giáo. Nó bao gồm những thánh tích mang ý nghĩa lịch sử và công trình kiến trúc đặc biệt. Nhưng để vào được đền thờ Mồ Thánh, được động chạm đến nơi Chúa bị đóng đanh, bị treo trên thập giá, và táng trong mồ là một sự nhẫn nại, chờ đợi. Đây không phải là nơi mà ai muốn vào, muốn ra, muốn đến, muốn đi lúc nào cũng được. Trung bình phải chờ đợi một hoặc hai tiếng. Khách hành hương phải đứng sát với nhau thành từng đoàn, nhích đi từng bước trong kiên nhẫn chờ đợi. Không khí im lặng một cách thiêng liêng và huyền nhiệm. Nếu để tâm trí hướng về buổi trưa hôm đó, cách đây hơn 2.000 năm, và cũng trên đồi này, ngay tại nơi đây, ta có thể nghe như những tiếng búa của bọn lý hình đang đóng mạnh vào những chiếc đinh làm xuyên qua tay, chân Chúa. Chắc chắn là Chúa đau đớn lắm, quằn quại theo từng tiếng búa, và từng tấc đinh đi vào thân xác Ngài. Và ta cũng còn nghe thấy những tiếng cười nhạo của các thượng tế, kỳ lão, cùng với dân chúng qua lại: “Nó đã cứu được người khác mà không cứu được lấy mình!” (Mc. 15:31)  

Rồi sự nhẫn nại, chờ đợi cũng được tưởng thưởng. Mỗi người chỉ được khỏang 1 phút qùy trước chiếc hố mà lý hình đã đào để dựng thập giá. Các phụ nữ thì khóc sướt mướt. Mọi người đều cố thò tay mình xuống sâu dưới hố để cảm nhận về cái chết đau đớn của Chúa Giêsu, và múc lấy cho mình những hồng ân chan chứa đến từ cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa. Tôi không nhớ lắm mình có thò tay xuống hố, nhưng tôi nhớ rất rõ là đã đặt một nụ hôn tại nơi này.  

Xong rồi còn phải đi vào trong hang nơi táng xác Chúa nữa. Cũng lại phải xếp hàng, phải nhẫn nại, chờ đợi. Và mỗi người cũng không được quá một phút để chạm tay mình, để đặt môi hôn lên nơi mà xác thánh Chúa đã được mai táng. Ngôi mộ trống, nhưng nó chính là tiếng nói lịch sử của sự sống lại hiển vinh của Chúa Giêsu phục sinh.        

Đồi Golgotha, nơi Con Chúa bị đóng đinh nhắc nhở cho chúng ta về một sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chỉ duy hy lễ hiến tế của Người mới có thể đền bù được tội lỗi nhân loại và giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. [3]  

Thấy và tin  

Suy niệm về những nghi thức phụng vụ vọng Phục Sinh, tôi đã hồi tưởng lại ngôi mộ nơi đặt xác thánh Chúa, đồng thời nghĩ đến một ngày không xa thân xác tôi cũng được nằm trong một ngôi mộ. Liệu Chúa Giêsu có nói về tôi, về ngôi mộ của tôi như Ngài đã nói về những ngôi mộ mà các thánh ký đã ghi lại trong Phúc Âm, bề ngoài tuy đẹp đẽ mà bên trong chứa đựng nắm xương khô hôi thối!  

Và điều mà tôi phải làm là để Chúa Kitô phục sinh thay đổi đời tôi. Tình yêu, sức mạnh và ánh sáng phục sinh của Ngài phải chiếm đoạt, chiếu tỏa và thay thế tình yêu xác thịt, sức cuốn hút và ánh sáng hào nhoáng của thế gian, những thứ khiến lòng người say mê, tìm kiếm, để rồi dẫn tôi đến mồ chôn tội lỗi và án chết đời đời!  

Sau cùng, tôi tự hỏi phải chăng tôi có nhận ra Chúa Kitô phục sinh ngay cả khi tôi đã vào ngôi mộ Ngài như môn đệ Gioan xưa khi nhìn vào bên trong ngôi mộ trống của Thầy mình: “Rồi người môn đệ khác, người đã đến mồ trước cũng vào. Và ông đã thấy và đã tin.” (Jn. 20:8) 

____________  

*  Trích Hồi Ký Tìm Về Dấu Chân Chúa, 2019 của tác giả.

1. Mc. 15:20; Mt. 27:31ff; Gioan 19:17ff

2. Marcel Serr and Dieter Vieweger in the May/June 2016 issue of Biblical Archaeology Review.

3. Do Thái 10:12; Tông Đồ Công Vụ 4:12.

 

CHÚA CỠI LỪA VÀO THÀNH - Chúa Nhật Lễ Lá  

Tuần lễ cực thánh, chấm dứt 40 ngày chay tịnh bắt đầu bằng việc cử hành tưởng niệm   Chúa Giêsu vinh quang tiến vào thành Giêrusalem, để rồi sau đó Ngài bị bắt, bị đánh đòn, tra tấn, bị kết tội vác thập giá lên núi Sọ, bị đóng đinh và chết trên thập tự giá!

 


RỬA CHÂN CHO NHAU - Suy niệm Thứ Năm Tuần Thánh

Trong phụng vụ của Thứ Năm Tuần Thánh, nghi thức gây được nhiều ấn tượng, đó là việc chủ tế khiêm tốn rửa chân cho một số người. Hành động này phản ảnh việc chính Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly đã rửa chân cho 12 môn đệ của Ngài. Ý nghĩa việc làm này của Chúa đã được chính Ngài giải thích: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gioan 13: 15)


CON CÓ BIẾT KHI NGƯỜI TA ĐÓNG ĐINH CHA?!  

Tuần Thánh (Holy Week), tiếng Latin là Hebdomas Sancta hay Hebdomas Maior. Tuần lễ trọng đại này đối với người Kitô Giáo là tuần trước Phục Sinh. Theo Tây Phương, nó bắt đầu bằng tuần lễ sau cùng của Mùa Chay, bao gồm Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bẩy tuần Thánh.


NGÔI  MỘ TRỐNG - Chúa đã Phục Sinh. Alleluia.  

Thế là Giêsu người thành Nagiarét đã “mồ yên mả đẹp”.

Vâng! Hỡi Giêsu. Xin hãy yên nghỉ và quên đi những vất vả sau ba năm truyền giảng Tin Mừng. Quên đi những roi đòn làm tan nát tấm thân. Quên đi mão gai. Quên đi những tiếng la ó đòi kết án. Quên đi bản án bất công. Quên đi thánh giá nặng trên vai. Quên đi những tiếng búa chát chúa làm xuyên thấu tay chân bằng những chiếc đinh dài và nhọn nhưng rất vô tình. Quên đi cơn hấp hối kinh hoàng tưởng chừng “Cha nỡ bỏ con.” (Mt 27:46) Quên đi đồi Golgotha loang máu. Và Giêsu ơi! Xin hãy ngủ yên.


NHỮNG NGÔI MỘ TRẮNG  

Có khi nào chúng ta đã tự đặt mình vào số những người vây quanh Chúa Giêsu mỗi khi Ngài rao giảng không? Và thái độ của chúng ta lúc đó như thế nào: Hăm hở nghe lời Ngài, suy tôn và thần tượng Ngài về những lời giảng dạy khôn ngoan; hoặc ngược lại, cảm thấy chói tai, mỉa mai Ngài rồi bỏ đi?